VĂN HOÁ ỨNG XỬ TRONG TRƯỜNG HỌC
Văn hoá ứng xử trong trường học là chuẩn mực, giá trị, niềm tin và hành vi ứng xử đặc trưng của các trường học nói chung và trường Mầm non Tìa Dình nói riêng, để có văn hóa trong trường học trước hết các quản lý, giáo viên phải gương mẫu xây dựng đầu tiên cho trẻ và phụ huynh noi theo, tạo niềm tin cho xã hội về chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Trường học là nơi mà thầy cô, phụ huynh và học sinh đều cảm thấy hạnh phúc mỗi khi đến lớp vì vậy cần phải xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học gương mẫu từ:
Cán bộ quản lý, giáo viên phải sử dụng trang phục lịch sự, phù hợp với môi trường và hoạt động giáo dục, nhân viên phải sử dụng trang phục phù hợp kín đáo với môi trường giáo dục và tính chất công việc; trẻ phải sử dụng trang phục sạch sẽ, gọn gàng phù hợp với lứa tuổi mầm non và hoạt động giáo dục; cha mẹ trẻ và khách đến trường phải sử dụng trang phục phù hợp với môi trường giáo dục.
Giao lưu, ứng xử với trẻ: Ngôn ngữ chuẩn mực xưng hô với trẻ gọi con xưng cô, không nói mày tao, không nói tục, không nói lớn tiếng, không nói trống không; lời nói ngắn gọn giúp trẻ dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh trẻ; luôn mẫu mực về thái độ giao tiếp, trang phục, cách ứng xử giao tiếp với mọi người xung quanh; bao dung khi trẻ có lỗi, có trách nhiệm trong công tác chăm sóc nuôi dạy trẻ, yêu thương trẻ; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng giữa tất cả các trẻ, không được phân biệt quan tâm trẻ này nhiều hơn trẻ kia ít hơn hoặc trẻ có cha mẹ giàu thương nhiều hơn trẻ có cha mẹ khó khăn; không có hành vi bạo lực học đường với bất kỳ hình thức nào; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Không xúc phạm, gây tổn thương về tinh thần và thể chất của trẻ, không được vụ lợi; không định kiến, bạo hành, xâm hại thân thể và tinh thần của trẻ (quát nạt trẻ trong các giờ chăm sóc trẻ); không thờ ơ, né tránh khi trẻ trao đổi ý kiến với cô nhất là các giờ đón trả trẻ, giờ ăn, giờ hoạt động giáo dục, không làm việc riêng khi đang trong giờ chăm sóc giáo dục trẻ.
Ứng xử với đồng nghiệp và nhân viên: Ngôn ngữ đúng mực xưng hô cô, chú (anh, chị) không nói mày tao, không nói tục; trung thực, thân thiện với nhau như chị em trong một gia đình, lắng nghe ý kiến và biết khắc phục hạn chế khi được góp ý, chia sẻ kinh nghiệm về công tác chuyên môn để giúp nhau cùng tiến bộ, hỗ trợ nhau trong các hoạt động của trường trong việc thực hiện nhiệm vụ được phân công; tôn trọng sự khác biệt của người này với người khác; bảo vệ uy tín, danh dự và nhân phẩm của đồng nghiệp, nhân viên. Không xúc phạm đến danh dự uy tín của đồng nghiệp, không vô cảm khi thấy đồng nghiệp khó khăn, nói không đúng sự thật, ganh tỵ, nói sau lưng để gây mất đoàn kết, nói xúc phạm đồng nghiệp.
Ứng xử với cha mẹ trẻ: Ngôn ngữ đúng mực trong lời nói và cử chỉ, thái độ khi giao tiếp; luôn trung thực báo cáo kết quả hoạt động của trẻ với phụ huynh, nhận lỗi khi có lỗi, tôn trọng phụ huynh khi phụ huynh trao đổi phải lắng nghe ý kiến của phụ huynh, thân thiện, hợp tác, chia sẻ với phụ huynh về các hoạt động chăm sóc giáo dục và nuôi dạy trẻ ở lớp, ở trường. Không xúc phạm uy tín danh dự của phụ huynh, vụ lợi trong các hoạt động đánh giá, khen thưởng trẻ và tuyển sinh đầu năm hoặc trong thực hiện chế độ chính sách cho trẻ.
Ứng xử với khách đến cơ sở giáo dục: Ngôn ngữ đúng mực giao tiếp lịch sự chào hỏi khi khách đến trường, tôn trọng. Không xúc phạm, gây khó khăn, phiền hà khi khách đến liên hệ.
Từ những quy tắc ứng xử trên đã được các đồng chí quản lý, cán bộ giáo viên nhân viên trong trường nghiêm túc thực hiện và tuyên truyền triển khai rộng rãi tới các bậc phụ huynh, học sinh trong toàn trường và cũng như toàn xã thực hiện có hiệu quả cao.